Nhân vật hư cấu có thể làm ra tiền thật

Sức sáng tạo của con người được công nghiệp văn hóa (CNVH) khai thác triệt để; trong đó, nhân vật hư cấu luôn được chú trọng xây dựng, khai thác.

Các nhân vật hư cấu ở Việt Nam có khá nhiều, song chưa được khai thác, bỏ lỡ cơ hội cung cấp các hình tượng, chất liệu để phát triển các ngành CNVH.   

Nhân vật hư cấu là khái niệm dùng chung, không nhất thiết phải là con người mà có thể là động vật, đồ vật được nhân cách hóa. Hầu hết các nước đi đầu phát triển CNVH đều có những nhân vật hư cấu trở thành biểu tượng, tồn tại lâu dài, qua đó tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Nhật Bản có mèo máy Doraemon, Bỉ có Xì Trum, Pháp có thám tử Tintin… CNVH của Mỹ có nhiều nhân vật hư cấu nhất, từ động vật (mèo Tom và chuột Jerry, chú chó Snoopy…), con người bình thường (gia đình Simpson), cho đến các siêu anh hùng (người Nhện, người Dơi, người Sắt…) mang lại doanh thu hàng tỷ USD.

Bìa sách về nhân vật hư cấu Thỏ bảy màu.

Ở Việt Nam, nhân vật hư cấu nổi tiếng nhất hiện nay là Thỏ bảy màu do Huỳnh Thái Ngọc sáng tạo ra năm 2014 khi Ngọc là sinh viên năm thứ hai ngành đồ họa. Sau 7 năm, Fanpage của Thỏ bảy màu trên Facebook có gần 3 triệu người theo dõi. Từ thành công của Thỏ bảy màu, nhiều họa sĩ trẻ khác đã tạo ra hàng loạt nhân vật hư cấu như: Hai chú chó Vàng và Xám, Én, Ếch, Quỳnh Aka…

Các họa sĩ sáng tạo ra nhân vật hư cấu đều còn rất trẻ, ban đầu chỉ với mục đích vui vẻ, thỏa mãn đam mê sáng tạo hội họa chứ ít ai nghĩ sẽ gắn bó với nghề lâu dài. Hiện nay, chỉ có Huỳnh Thái Ngọc và các cộng sự đã đưa nhân vật hư cấu Thỏ bảy màu có bước phát triển vượt bậc khi đã sáng tạo các phim hoạt hình ngắn đăng tải trên YouTube. Có video đạt lượt xem lên tới 7,6 triệu, chắc chắn mang lại lợi nhuận đủ để cho nhóm bạn trẻ yên tâm sáng tạo.

Không dễ để có thể tạo ra nhân vật hư cấu có hàng triệu người biết đến như Thỏ bảy màu. Dù đã có ý thức tạo ra các sản phẩm “ăn theo” để tăng doanh thu như xuất bản sách, đồ lưu niệm, video ngắn, nhưng giá như có sự đầu tư về tài lực, được xây dựng, quảng bá hình ảnh thì tin chắc độ “phủ sóng” của Thỏ bảy màu sẽ vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.

Trước mắt, về mặt hình ảnh và thương hiệu, Thỏ bảy màu hoàn toàn có thể được mời làm nhân vật đại diện cho các hoạt động liên quan đến trẻ em, như: Bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, chăm sóc sức khỏe vệ sinh cá nhân… Quan trọng nhất vẫn là tạo dựng các sản phẩm CNVH xoay xung quanh nhân vật hư cấu Thỏ bảy màu. Phải có quỹ hỗ trợ, nhà đầu tư, công ty giải trí với nguồn lực tài chính, nhân lực mới có thể tạo ra sản phẩm CNVH và biết quảng bá sản phẩm rầm rộ. Một khi đã có sản phẩm CNVH được đông đảo công chúng chấp nhận, sẽ xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài; cùng với đó nhân vật hư cấu Thỏ bảy màu có thể đại diện ở mức độ quốc gia như cách Nhật Bản sử dụng hình ảnh của chú mèo máy Doraemon, thợ sửa ống nước Mario. Hoàn toàn để chú Thỏ bảy màu vui tươi, tinh nghịch đi cùng với các hoạt động quảng bá nông sản, giới thiệu sản phẩm tiêu dùng Việt Nam tại các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài… 

CNVH đòi hỏi các lĩnh vực cần phải có sự liên kết để tạo ra các sản phẩm văn hóa độc đáo, tăng giá trị doanh thu, mang lại giá trị thương hiệu. Một khi nhân vật hư cấu vẫn chỉ tồn tại trong các khung tranh trên mạng xã hội, quả thật đó là sự lãng phí sức sáng tạo.

Theo: VÂN HÀQuân Đội Nhân Dân

Nguyễn Anh Đức Administrator
Sorry! The Author has not filled his profile.
Game bài đổi thưởng