Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với Nghề Báo Và Người Làm Báo
Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16.4.1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “… Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”; “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang.

Người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc
Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16.4.1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “… Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”; “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình” Đây là tư tưởng lớn, xuyên suốt toàn bộ đường lối thông tin đại chúng của Đảng ta thời gian qua.
Làm báo phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu thực tế
Nhà báo phải là một con người có trí thức rất rộng và rất sâu, đặc biệt là có trách nhiệm với công việc của mình, với sản phẩm của mình, với mọi hiệu quả, hệ quả của sản phẩm đó.Tháng 5.1949,trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Muốn viết báo khá thì cần: 1. Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; 2. ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; 3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ…”.Ngoài việc viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nhiều bài viết nói về công việc viết báo, nhằm chia sẻ kinh nghiệm viết báo với đồng nghiệp hoặc cán bộ cấp dưới.
Thông tin phải chân thực, chính xác, cẩn thận về nội dung và hình thức
Ngày 8.1.1946, Người căn dặn các cán bộ tuyên truyền: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực”.
Tính chân thật luôn được xem là đạo đức của người làm báo cách mạng. Vì thế, báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng và là diễn đàn của Nhân dân. Báo chí đã phản ánh những ý kiến xây dựng của nhân dân, nói lên tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời báo chí cũng là phương tiện quan trọng để chống nạn tham nhũng, buôn lậu; chống lại tội ác và các tệ nạn xã hội; chống lại những biểu hiện tha hóa, sa sút về phẩm chất, đạo đức và lối sống.
Bố cục “ngắn gọn”; ngôn ngữ “trong sáng, giản dị, dể hiểu”
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi bài báo bố cục phải “ngắn ngọn”; ngôn ngữ “trong sáng, giản dị, dễ hiểu”. Tuy nhiên, “ngắn gọn” không có nghĩa là cộc lốc mà ngắn gọn là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn. Còn muốn viết được “trong sáng, giản dị, dễ hiểu”, trước hết nhà báo phải học cách nói của quần chúng. Phải thực sự học quần chúng để có cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không những am hiểu ngôn từ của nhiều dân tộc mà còn là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Người đề cao và khẳng định: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”.
Luôn phải nâng cao chất lượng báo chí
“… Cần nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó… Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Chất lượng của báo chí ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói đến nội dung bài viết và cả cách bố trí, trình bày. “Các báo thường có ảnh và tranh vẽ. Đó là một tiến bộ nhưng ảnh thì thường lèm nhèm, vẽ thì chưa khéo lắm. Cần phải cố gắng nhiều hơn nữa”. Đó vừa là lời động viên, vừa là sự nhắc nhở đối với những người làm báo, phải luôn cố gắng trình bày cho thật khéo, thật đẹp để thu hút được đông đảo bạn đọc.
Suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một di sản báo chí vô cùng đồ sộ. Những bài viết của Người thể hiện sinh động quan điểm, tư tưởng về cách mạng, về thời đại, về Nhân dân, về kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đưa ra nhiều phương pháp làm báo mới mẻ, tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam và báo chí hiện đại trên thế giới. Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là một lãnh tụ kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, mà Người thực sự là một nhà báo vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam.