Một số kỹ năng và kinh nghiệm thực hiện phóng sự ảnh báo chí

Ảnh báo chí là một loại hình báo chí đặc sắc, mang tính thời sự và nghệ thuật cao. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và máy ảnh kỹ thuật số đã tạo điều kiện cho ảnh báo chí phát huy mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng trong đời sống, kinh tế và xã hội hiện nay.

Trong ảnh báo chí, nhiều người cho rằng phóng sự ảnh là thể loại khó nhất và đầu tư thực hiện công phu nhất. Bởi vì nó đòi hỏi tay nghề và tư duy mạch lạc, phong phú về phóng sự, về bút ký hay kể chuyện bằng một loại hình của những khoảnh khắc bấm máy “đặc biệt” của nhiếp ảnh gia. Mục đích cuối cùng là mang đến cho người xem một câu chuyện có ý nghĩa về đời sống xã hội bằng những tấm ảnh giàu tính thời sự và độc đáo về cách thể hiện.

Công đoạn thực hiện ảnh

Thời gian qua, tôi đã thực hiện nhiều phóng sự ảnh/bộ ảnh, được đăng tải trên Báo Tuổi Trẻ, Báo Bình Định… Theo kinh nghiệm của tôi, làm phóng sự ảnh báo chí cũng giống như viết phóng sự/ký sự. Nghĩa là cũng phải có phần đặt vấn đề, phát triển vấn đề và kết luận.

Những phóng sự ảnh ra đời khi người phóng viên ảnh đã có sẵn một kịch bản trong đầu, nghĩa là chúng ta đã biết khá rõ mình cần phải chụp những cái gì và khi cầm máy ảnh đến hiện trường, công việc của chúng ta là chụp những khuôn hình theo cái kịch bản dàn sẵn ấy. Phần việc ở hiện trường chỉ nặng khi cần có cảm xúc và nhanh nhạy cũng như kỹ thuật để thể hiện tốt nhất những điều trong kịch bản bằng hình ảnh mà chúng ta đã hình dung trước đó.

Khi đã có đề tài, nên tìm hiểu kỹ thông tin về đề tài mình chụp và viết theo dạng phóng sự về ý tưởng, đề cương, chọn ý, nội dung… Viết trọn vẹn bài ra rồi, xem xét lại trong bài có những ý chính nào, có những “nút thắt” nào ta đã định ra rồi, từ đó lên kịch bản cho việc chụp. Đây là công đoạn đòi hỏi chúng ta phải tập trung tư duy nhiều.

Trên cơ sở đó chúng ta có thể chụp ảnh theo các ý đã triển khai. Ví dụ trong bài phóng sự có độ 10 ý chính để kể trọn vẹn câu chuyện, thì khi đi chụp ảnh ta chỉ cần chụp đúng 10 cái ý ấy thôi. Tất nhiên ở mỗi ý chúng ta nên chụp nhiều góc độ (toàn cảnh, trung cảnh và đặc tả) sao cho ý ấy được nổi lên rõ ràng. Đây cũng là nguồn ảnh dự phòng rất cần thiết để bổ sung khi vấn đề, đề tài phát sinh ý tưởng mới. Đó là cách làm phóng sự ảnh thực thụ, nó giúp cho ta gần như có ngay sản phẩm cuối cùng khi đóng máy, chụp xong vì về nhà chỉ việc lọc ra 10 cái ảnh tốt nhất của 10 phân cảnh mà ta đã định. Hơn nữa, sự kiện thường chỉ diễn ra một lần và khó trở lại lần thứ hai để chúng ta chụp ảnh, nên đừng bỏ lỡ cơ hội.

Sai lầm và thiếu sót của đa số chúng ta là đi chụp phóng sự ảnh mà không hình dung ra trước kịch bản, đến nơi và cứ thế chụp rồi về biên tập, chọn ra 1 bộ ảnh. Đôi khi nó vẫn hiệu quả nhất định nếu là người có đầu óc biên tập ảnh tốt, nhưng dù sao cũng không thể hay, không thể đồng nhất và xuyên suốt câu chuyện bằng khi chúng ta đã “chụp ảnh trước trong đầu”.
Khi chúng ta đã hoàn thành ý tưởng và chụp xong ảnh, có kịch bản thì tất nhiên chúng ta sẽ chụp những “phân cảnh” cần thiết. Như vậy, trong một phóng sự ảnh, kết cấu cho bộ ảnh là rất quan trọng, nó quyết định cho sự thành công của câu chuyện mà chúng ta kể. Theo tôi, kết cấu của bộ ảnh thường theo tỷ lệ nhất định, tạo tính tổng thể vững chắc cho câu chuyện.

Thường mở đầu nên có 1 cảnh toàn để mô tả về không gian, về sự việc… Một số ảnh chụp trung cảnh về hành động, hoạt động. Tiếp theo, mở rộng câu chuyện thì nên có 1 – 2 tấm chân dung của nhân vật, nếu nói về nhiều nhân vật hay nhóm nhân vật thì cũng nên “bóc” lấy 1 người điển hình ra chụp. Trong câu chuyện, cần chụp 1 ảnh đặc tả chi tiết, nêu bật được cốt lõi của câu chuyện, được chắt lọc đắt giá nhất.

Về kinh nghiệm sắp xếp ảnh, trong bộ ảnh nên có 1 ảnh mở: Nó mô tả, khái quát chung về đề tài, nội dung muốn nói nhưng không phải nói hết – he hé thôi – thế nên nó mới gọi là ảnh mở. Tuy nhiên, trong bộ ảnh phóng sự rất cần những ảnh để nhấn mạnh, những ảnh “đinh” tạo cảm xúc mạnh mẽ, rõ rệt cho người xem. Đó là cách thể hiện tài năng và cá tính của mỗi phóng viên ảnh thực hiện theo cách nhìn và cách kể chuyện cách riêng của họ.

Công đoạn viết sa-pô và chú thích ảnh

Cũng giống như phóng sự của báo viết, đối với phần sa-pô, ta cần viết 1 đoạn sa-pô ngắn để nói về phóng sự ảnh của mình, đừng ngắn quá nhưng cũng đừng dài quá, nêu bật cốt lõi của câu chuyện cần kể. Chủ yếu là mô tả đề tài, không gian, số liệu… những thứ mà ảnh không thể chụp được.

Đối với việc chú thích ảnh, có những bộ ảnh không cần chú thích nếu ta đã viết đủ ở sa-pô, mà ảnh của ta đủ nói hết thông tin nhưng thông thường thì nên chú thích từng ảnh cẩn thận.

Nên chú thích đầy đủ thông tin về tên tuổi nhân vật, hoàn cảnh đang diễn ra khi ta chụp, sự kiện hay điều gì đó xảy ra liên quan đến bức ảnh mà ta không thể chụp hết, đưa hết vào ảnh được. Đó là nguyên tắc chú thích chung, còn trong bộ ảnh thì nên thống nhất cách hành văn theo câu chuyện đã kể.

Để thực hiện một phóng sự ảnh báo chí, ngoài việc người phóng viên ảnh bắt buộc phải thực hiện qua 2 công đoạn là tác nghiệp chụp ảnh; viết sa-pô và chú thích ảnh, mà nó còn đòi hỏi người phóng viên ảnh phải nắm rõ về kỹ thuật nhiếp ảnh, sử dụng thành thạo và am tường về máy ảnh kỹ thuật số. Ngoài ra, để thực hiện một phóng sự ảnh báo chí, nó đòi hỏi người phóng viên ảnh có tay nghề, một tư duy mạch lạc và phong phú về phóng sự, cùng với một niềm đam mê và yêu nghề ảnh báo chí – con đường đã chọn của người phóng viên ảnh.

Nguyễn Anh Đức Administrator
Sorry! The Author has not filled his profile.
Game bài đổi thưởng