Ask A Senior: MC Phí Linh và hành trình bền bỉ của người làm truyền hình

“Con đường sự nghiệp của mình giống như một cây bút chì vậy. Bản thân mình cố gắng tự mài dũa sao cho thật sắc, để có thể vẽ ra những nét chữ thật đẹp. Cứ thế, mình cứ mải miết mài dũa, mải miết viết, một cách thật cẩn trọng.” – MC Phí Linh miêu tả về con đường sự nghiệp của cô một cách đầy khiêm tốn.

MC Phí Linh (tên đầy đủ: Phí Nguyễn Thuỳ Linh) vốn từ lâu đã không còn là gương mặt xa lạ trên sóng truyền hình. Tên tuổi của cô gắn liền với những chương trình lớn như Muôn Màu Showbiz, Thần tượng Bolero, Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt nhí…, và gần đây nhất là 2 mùa Giọng Hát Việt 2018-2019. Ở bất kỳ chương trình nào, cô cũng để lại dấu ấn đặc trưng của mình–chất giọng Hà Nội ấm dày, lối dẫn tinh tế, và cách ứng xử nhạy bén.

Một ngày trung tuần tháng 7 bận rộn, Phí Linh tranh thủ nhận lời phỏng vấn cùng Vietcetera. Đầu dây bên kia là chất giọng trầm ấm quen thuộc, vô cùng nhẹ nhàng và điềm tĩnh. Đọc bài viết dưới đây để hiểu thêm về xuất phát điểm của Linh, và sự bền bỉ, kiên định với ước mơ mà cô mang theo để có thể ngày một toả sáng ở những vị trí mà mình dấn thân–MC, kiêm biên tập viên và nhà sản xuất chương trình truyền hình

Cơ duyên nào đưa chị đến với nghề MC, và tiếp đến là vai trò biên tập viên và sản xuất chương trình truyền hình?

Mình đảm nhận vai trò MC tính đến nay đã hơn 10 năm. Có lẽ do sở hữu chất giọng dày, trưởng thành hơn các bạn đồng trang lứa, nên vào năm lớp 11 mình may mắn được cộng tác với đài truyền hình, đọc lời bình cho một chương trình dành cho thanh thiếu niên. Sau đó, mình có cơ hội được thử sức với vai trò dẫn chương trình.

Ask A Senior: Phí Linh
“Con đường sự nghiệp của mình giống như một cây bút chì vậy. Bản thân mình cố gắng tự mài dũa sao cho thật sắc, để có thể vẽ ra những nét chữ thật đẹp. Cứ thế, mình cứ mải miết mài dũa, mải miết viết, một cách thật cẩn trọng.” – MC Phí Linh miêu tả về con đường sự nghiệp của cô.| Nguồn: Phí Linh.

Để có thể làm việc ở đài truyền hình, định hướng nghề nghiệp của bạn sẽ không chỉ dừng lại ở công việc dẫn chương trình đơn thuần. Bạn cần phải trang bị thêm kỹ năng làm sản xuất truyền hình (TV producing).

Trong khoảng thời gian tập sự, qua quan sát và được trải nghiệm một số phần việc của sản xuất, mình nhận ra ngoài việc bản thân có thể bắt nhịp tốt, mình thật sự yêu thích công việc này. Từ đó, dẫn chương trình (TV host) và sản xuất truyền hình (TV Producer) vốn luôn là hai vai trò mình hướng đến trong sự nghiệp.

Chị có thể chia sẻ giữa những vị trí đó có sự khác nhau như thế nào và quá trình làm việc thường diễn ra như thế nào?

Giai đoạn đầu, là phóng viên/ biên tập viên kiêm người dẫn chương trình, mình sẽ lo phần kịch bản và cùng quay phim bàn bạc nhằm đảm bảo hình ảnh thể hiện được nội dung kịch bản. Ngoài ra, mình còn đảm nhận trách nhiệm thực hiện phóng sự linh kiện từ khâu lên nội dung cho đến phỏng vấn, tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường.

Sau này, ở cương vị tổ chức sản xuất kiêm biên tập viên, mình được thử sức ở nhiều vai trò và lượng công việc cũng nhiều hơn. Mình chịu trách nhiệm trình bày và duyệt đề tài. Từ đề tài cuối cùng được chọn, mình lên kịch bản, liên hệ với các nhân vật liên quan để ghi hình. Mình theo chương trình từ ý tưởng kịch bản tới phát sóng.

Khác với hai vai trò trên, với vai trò nhà sản xuất, mình sẽ là người ‘nhào nặn’ cũng như bảo vệ toàn bộ định dạng (format) chương trình từ những ngày đầu. Hơn thế, người làm sản xuất còn phải lo về phần tài chính cũng như nhân sự. Để một chương trình phát sóng thành công, mình cần phải tìm nhà đầu tư phù hợp cho chương trình. Nhìn chung, quy trình công việc này thường kéo dài gần một năm.

Nét tính cách nào ở bản thân đã giúp chị chinh phục được những vai trò này?

Tính dạn dĩ, thích quan sát, học hỏi và khả năng kết nối với mọi người có lẽ là ưu điểm của mình. Tuy nhiên, những yếu tố đó chẳng là gì so với những điều mình phải học hỏi liên tục suốt chặng đường sự nghiệp.

Ask A Senior: Phí Linh
Theo Phí Linh, sự nhẫn nhịn và khiêm tốn một cách chủ động là một trong những yếu tố quan trọng giúp cô từng bước có chinh phục được các vị trí này.| Nguồn: Phí Linh

Một trong số đó là sự nhẫn nhịn và khiêm tốn một cách chủ động. Mỗi người chúng ta đều có một mức độ khiêm tốn nhất định, thế nhưng việc chủ động nhường bước cho người khác bước lên phía trước lại là một vấn đề khác, mà bản thân mỗi người cần phải học.

Mình có thể chủ động nhận công việc mà người khác thường chê không xứng, mình có thể chấp nhận ‘chạy vặt’, như làm trợ lý, cài mic, liên hệ trường quay, hoặc làm phụ tá cho người dẫn chính… Tất cả những việc làm đó đều nhằm cho phép bản thân được va chạm, từ đó thu thập nhiều kiến thức hơn. Đồng thời cũng rèn luyện cho bản thân sự gan lì, bền bỉ. Nhờ vào những phần tính cách phải tôi luyện đó mà mình đã có thể trụ vững và có một chút kinh nghiệm như ngày hôm nay.

Động lực nào giúp chị bền bỉ với nghề, trong khi có rất nhiều người lựa chọn ra đi?

Mình quan niệm một khi đã lựa chọn con đường nào thì sẽ phải đi tới cùng. Dù là công việc gì, dấn thân và cống hiến luôn là hai yếu tố mình đặt lên hàng đầu. Theo mình, 3-6 năm là khoảng thời gian bắt buộc một người trẻ cần phải bỏ ra để tạo dựng được chỗ đứng nhất định cho mình.

Nếu không dành khoảng thời gian đó cho công việc hiện tại, mình đương nhiên cũng sẽ dành nó cho một công việc khác. Thế nhưng, công việc sản xuất truyền hình đối với mình lại đặc biệt hơn nhiều, vì nó là đam mê. Đó là lý do sau bao nhiêu khó khăn và thất bại mình vẫn một lòng tiếp tục theo đuổi nó.

Ask A Senior: Phí Linh
“Mình yêu công việc này. Mình yêu việc xuất hiện trước máy quay và cả sau máy quay, ” Phí Linh bộc bạch.| Nguồn: Phí Linh

Tuy không có cố vấn dẫn dắt nhưng trong suốt quãng đường sự nghiệp, mình được truyền động lực từ rất nhiều người. Thầy Thanh Bạch là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất đến mình. Tuy tuổi đã lớn, tinh thần cầu thị, sự nỗ lực cho từng dự án của thầy vẫn luôn còn nguyên đó, chưa bao giờ vơi đi.

Ngoài ra, ở VTV có rất nhiều người thầy mà bạn sẽ gặp trong quá trình phát triển. Mình may mắn được làm việc với chị Diễm Quỳnh, anh Long Vũ, hoặc sau này các đồng nghiệp mình rất yêu quý như anh Tùng Leo, anh Thành Trung, Đức Bảo, Quang Bảo… đều là những người truyền cảm hứng với mình.

Chị từng chia sẻ: “Trước mình bị động, giờ mình chủ động hơn, từ sản xuất đến biên tập và dẫn, đến việc nhận show và tìm kiếm show phù hợp với mình.” Vậy, phải mất bao lâu để chị có thể tạo ra sự chủ động cho riêng mình? Và làm thế nào để có thể đạt được sự chủ động đó?

Thời điểm ‘bị động’ mà mình nhắc đến là giai đoạn năm 2012-2014. Đến năm 2015, mình bắt đầu làm chủ một loạt mục chương trình. Để có được sự ‘xoay chuyển’ này, mình đã cho các nhà sản xuất thấy được nỗ lực, để từ đó xây dựng lòng tin với họ.

Kể cả khi dẫn các chương trình không do mình sản xuất, tiêu biểu là Xưởng Thời Trang và Muôn Màu Showbiz, mình đều chủ động tham gia nội dung, từ khâu kịch bản, khách mời… Có khi, mình còn tham gia vào hậu kỳ. Chính những nỗ lực này dần dà mang lại quyền chủ động cho mình.

Ask A Senior: Phí Linh
“Để có được sự ‘xoay chuyển’ này, mình đã cho các nhà sản xuất thấy được nỗ lực, để từ đó xây dựng lòng tin với họ,” Phí Linh chia sẻ.| Nguồn: Phí Linh

Khi còn ở Ban biên tập truyền hình Cáp VTVcab, trong 6 năm, mình làm ra 3 format mới, sản xuất khoảng 5 đầu mục chương trình từ âm nhạc, giải trí tới truyền hình thực tế. Trong 2 năm chuyển về VTV2 từ 2017, mình sản xuất 2 mũ chương trình Việt Nam Đất nước Con người với series Nàng đẹp nhất khi mặc áo dài và chương trình Tạp chí cuối tuần phát sóng trực tiếp sáng thứ 7, có tên Bây Giờ – Ở Đây.

Dù các chương trình mình sản xuất có thể coi là không tạo ra hiệu ứng lớn và được làm truyền thông tốt như các chương trình mình cộng tác dẫn với các đối tác xã hội hoá, nhưng đó lại là nền tảng quan trọng làm nên Phí Linh ngày hôm nay. Hiện nay, với các chương trình cộng tác với Cát Tiên Sa, mình cũng hoàn toàn chủ động phần nội dung dẫn dắt.

Là người đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề, theo chị, thị hiếu của người xem đài đang thay đổi như thế nào? Và các đài truyền hình lớn làm như thế nào để bắt kịp với những thay đổi đó?

Không còn như xưa là chờ đến giờ để được xem, khán giả thời nay đang nắm ‘toàn quyền’ lựa chọn những gì bản thân thích. Đối thủ cạnh tranh của truyền hình vốn không phải thế lực nào to lớn, mà đó là từng cá nhân, những người sáng tạo nội dung.

Vì thế, ngày nay, người làm nội dung truyền hình cần nắm bắt thị hiếu để phục vụ khán giả. Để làm được điều này, ngoài việc sử dụng nhiều nền tảng phát sóng, người làm truyền hình còn phải thay đổi tư duy cũng như thái độ làm nghề của mình. Đây là một sự biến chuyển đáng mừng và người làm sản xuất nên cảm thấy hạnh phúc vì họ có cơ hội đổi mới và cập nhật liên tục.

Xu hướng tiếp theo mà đài truyền hình đang nhắm đến sẽ là truyền hình đa nền tảng, đáp ứng nhu cầu xem cho từng đối tượng khán giả khác nhau. Mỗi thành viên trong gia đình sẽ có một nhóm nội dung riêng biệt.

Làm sao một người sản xuất có thể cân bằng giữa việc đáp ứng thị hiếu của khán giả và giữ được nét riêng cũng như nội dung mà mình muốn hướng đến?

Người làm nội dung cần phải hiểu được khán giả cần gì và muốn gì. Song song đó, họ phải sở hữu tư duy độc lập [một cách tương đối] về nội dung mình muốn thực hiện. Từ đó, họ mới có thể xây dựng cho bản thân một hình ảnh bền vững và được khán giả nhớ đến như nguồn nội dung uy tín, mang giá trị lâu dài.

Phần mình, vốn hiểu rõ bản thân là người có bộc lộ một chút tư duy phê phán, nên mình sẽ không làm chương trình giải trí đơn thuần. Mình mong muốn cùng với các nội dung giải trí, chương trình của mình mang theo các giá trị có ích cho xã hội.

Chị có dự định nào cho tương lai?

Mình tạm thời không nhận dẫn thêm chương trình mới. Nhìn vào từ bên ngoài có thể giống như Phí Linh nghỉ ngơi sau 10 năm làm việc miệt mài, nhưng đây chính là cách mình chọn để có thể bước tiếp. Trong thời gian tới mình cần ‘nạp’ lại kiến thức cũng như kỹ năng để có thể đi tiếp, mở rộng lĩnh vực dẫn và sản xuất truyền hình của mình một cách sung sức hơn. Hy vọng có thể đi thật xa với con đường mình đã chọn.

Nguồn: Vietcetera

Nguyễn Anh Đức Administrator
Sorry! The Author has not filled his profile.